Đọc thêm Gamification và những điều bạn chưa biết ( phần 1)
Gamification đã và đang tạo nên rất nhiều đột phá trong các lĩnh vực từ thiết kế sản phẩm, kinh doanh, quản lý, giáo dục, thậm chí cả chính sách xã hội. Cùng xem các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác đã sử dụng gamification như thế nào nhé!
1. Thiết kế sản phẩm
Gamification chính là yếu tố hàng đầu tạo động lực cho người dùng yêu thích và sử dụng sản phẩm nhiều hơn.
Stack Overflow
Stack Overflow là trang cộng đồng hỏi đáp các vấn đề IT rất phổ biến trong giới lập trình viên, một trang web tưởng chừng khá khô cứng và nhàm chán. Thế nhưng Stack Overflow đã sử dụng cơ chế cộng điểm ứng dụng gamification để khuyến khích các thành viên hỏi và trả lời nhiều hơn. Cụ thể là người dùng sẽ được tích điểm sau mỗi lần hỏi hay trả lời, các câu trả nhận được nhiều vote sẽ được đẩy lên top. Dần dần, khi tích được mức điểm cao và xây dựng được profile đẹp trên Stack Overflow, các thành viên sẽ được tham gia sâu hơn vào việc quản lý nội dung trên nền tảng này cũng như có rất nhiều cơ hội được các công ty công nghệ mời gọi về.
Cơ chế này rất đơn giản nhưng tạo ra niềm phấn khích cho người dùng khi thấy danh tiếng của họ tăng lên mỗi lần trả lời câu hỏi cũng như cảm giác có một phần thưởng lớn luôn chờ họ phía trước sau những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng.
Vòng đeo thông minh Fitbit
Fitbit là thiết bị vòng đeo theo dõi sức khỏe khá phổ biến hiện nay. Việc đeo một thiết bị như vậy trên người đã khiến nhiều người hăng hái tập luyện nhiều hơn bởi họ có thể nhìn thấy ngay tiến triển trên biểu đồ tập luyện, nhưng nhà sản xuất phải làm sao để tạo động lực được cho cả những người vốn lười tập luyện hoặc tập không hiệu quả? Câu trả lời chính là game hóa các hoạt động tập luyện thể thao, như bạn có thể thấy trong phần Fitbit Challenge bao gồm mục tiêu hằng ngày, huy hiệu, cúp, thách đấu bạn bè hay bảng xếp hạng những người dùng Fitbit vô địch về tập luyện,…. Vô hình chung, những yếu tố tưởng chừng rất nhỏ này cũng giúp Fitbit chiếm được cảm tính cùng sự hứng thú không nhỏ từ người dùng.
2. Giáo dục
Các phần mềm, ứng dụng hay platform giáo dục mới hiện nay đều ứng dụng sâu rộng gamification vào việc tạo cảm hứng cho người học. Nếu kể ra các sản phẩm giáo dục có ứng dụng gamification, chúng ta sẽ có một danh sách dài những cái tên lớn nhỏ như các nền tảng học trực tuyến Duolingo, KhanAcademy, Treehouse, Coursera, Newsmart,…, nền tảng quản lý lớp học ClassDojo, Schoology hay các game nhập vai, chương trình mô phỏng như The World Peace Game, Ribbon Hero,… Ở đây chúng ta sẽ phân tích KhanAcademy và Codecademy.
KhanAcademy và Codecademy
KhanAcademy và Codecademy là hai nền tảng học trực tuyến nổi tiếng dạy kiến thức phổ thông và lập trình miễn phí đã thu hút hàng triệu người học trên khắp thế giới. Điểm chung của hai nền tảng này là chúng đều thiết kế cho người học một lộ trình hoàn thiện để nắm bắt được một mảng kiến thức/kỹ năng nào đó qua việc vượt qua các mốc thử thách như hoàn thành từng chương hay từng bài học hướng dẫn. Mỗi khi người dùng hoàn thành được một nhiệm vụ như xem hết video hướng dẫn hay làm xong các bài tập, họ đều được cộng điểm để thu lượm các bộ huy hiệu, cúp vàng và nhận email chúc mừng lên level. Việc đưa hệ thống huy hiệu, điểm thưởng vào một nền tảng giáo dục giúp người học theo dõi và nhìn thấy ngay tiến triển cùng thành quả đã đạt được ngay lập tức. Cơ chế này hoàn toàn đi ngược lại với cách mà chúng ta vẫn được dạy và học ở trường với mỗi bài kiểm tra đều được tính trên thang điểm cao nhất là 10 rồi trừ dần đi mỗi khi gặp lỗi sai, phương pháp khó lòng khuyến khích được sự cố gắng của học sinh. Trái lại, khi việc học trở nên thú vị như chơi game và không có một mức điểm trần hay giới hạn nào được đặt ra, người học sẽ có hứng thú tham gia nó nhiều hơn.
3. Kinh doanh, truyền thông
Coca-Cola Chok! Chok! Chok!
Được coi là chiến dịch marketing thành công nhất của Coca-Cola tại Hong Kong trong 35 năm trở lại đây, Coca-Cola Chok! Chok! Chok! thu hút người tiêu dùng Hong Kong xem video quảng cáo trên TV bằng việc tung ra ứng dụng Chok trên smartphone. Những người tham gia chỉ việc mở ứng dụng vào đúng 10h tối hàng ngày và lắc điện thoại trước video quảng cáo trên TV để có cơ hội lắc trúng game hay các phần quà ngẫu nhiên từ các đối tác của hãng. Kết quả là ứng dụng Chok đã leo lên top 1 App Store Hong Kong chỉ 1 ngày sau khi được tung ra; video quảng cáo Coca-Cola trên TV cũng nhận được tới 9 triệu lượt xem, vượt cả dân số Hong Kong!
Xem thêm về chiến dịch trong video vui nhộn dưới đây:
Samsung Nation
Samsung và khuyến khích họ hỏi đáp, thảo luận cũng như xem và đăng tải các video review sản phẩm lên trang. Để làm được điều này, Samsung đã thiết kế hệ thống huy hiệu và thăng tiến cấp độ cho người dùng mỗi lần họ có hoạt động mới trên trang. Đổi lại, người dùng tham gia và tích lũy điểm, profile có cơ hội được thưởng các sản phẩm phần cứng hay phần mềm, dịch vụ của hãng.
4. Khoa học
Game Foldit
Protein là thành tố quan trọng trong rất nhiều loại bệnh tật (trong đó có HIV/AIDS) nên nó cũng có thể là đầu mối của rất nhiều giải pháp phòng ngừa, cứu chữa. Thế nhưng các nhà nghiên cứu hàng đầu đã dành tới 15 năm mà vẫn không giãi mã được cấu trúc phân tử của protein gây bệnh AIDS – một trong những vấn đề đắt giá nhất của sinh học hiện đại.
Để giải quyết, họ đã game hóa quy trình nghiên cứu bằng việc thiết kế ra game Foldit để huy động sự sáng tạo từ cộng đồng. Người chơi được trao cho một mô hình protein 3D và phải cạnh tranh với nhau để tạo ra các hình dạng nếp gấp protein hoàn chỉnh nhất theo các yêu cầu, thách thức trong game như làm tăng tối đa kích thước bề mặt hay đảo các dây liên kết. Và thật kỳ diệu là giải pháp cho vấn đề sinh học làm đau đầu giới khoa học nhiều năm lại được chính các game thủ giải quyết chỉ trong 10 ngày.
Từ các chiến thuật của những người chơi điểm cao nhất, các nhà khoa học đã khám phá ra cấu trúc một enzyme quan trọng giúp xác định được phương hướng điều chế các loại thuốc có thể vô hiệu hóa AIDS, ung thư và Alzheimer.
5. Xã hội
Speed Camera Lottery
Ý tưởng Speed Camera Lottery thắng giải cuộc thi The Fun Theory đã được chính phủ Thụy Điển tiến hành và đạt được thành công vang dội. Trước những quy định cứng nhắc cưỡng bắt người tham gia giao thông đi đúng tốc độ quy định không được hưởng ứng như kỳ vọng, Speed Camera Lottery muốn biến việc tuân thủ quy định trở nên thú vị và được các tài xế tự nguyện thực hiện. Ý tưởng này đơn giản là lắp đặt các camera giám sát tốc độ trên đường. Mỗi xe đi qua sẽ được đo tốc độ và lưu lại ảnh chụp xe cùng biển số. Các xe đi vượt quá tốc độ quy định sẽ bị phạt tiền, trong khi đó các xe đi đúng tốc độ sẽ được đưa vào danh sách quay số để có cơ hội trúng thưởng tiền thu được từ các xe đã nộp phạt. Cảm giác có thể thắng được gì đó khiến mọi người tự nguyện giảm tốc và dần thay đổi cách lái xe. Kết quả là vận tốc trung bình của các xe đi qua các camera này đã giảm tới 20%, từ 32 km/h xuống con 25km/h. Bạn có thấy lợi ích rất đáng kể khi áp dụng gamification (game hóa) vào thực tế? Nhìn chung chiến dịch này đã rất thành công khi khiến các tài xế hồi hộp với niềm tin mình có thể trúng thưởng gì đó.
Hệ thống tiết kiệm năng lượng của Opower
Giảm tiêu thụ năng lượng (điện, nước, khí đốt,..) là thứ nhiều quốc gia muốn thúc đẩy, nhưng giá thành rẻ lại khiến cho nhiều người không mấy bận tâm chuyện này. Opower, hãng chuyên cung cấp giải pháp phần mềm cho các công ty năng lượng đã phát hiện ra rằng cách tốt nhất để mọi người có ý thức giảm lượng điện năng tiêu thụ là cho họ thấy mức tiêu thụ của mình so với hàng xóm và cảnh báo khi họ sắp đạt đến một ngưỡng nào đó. Họ đã thiết kế một hệ thống thông báo (qua hóa đơn, web, app hay SMS) cho người dùng thấy biểu đồ sử dụng năng lượng của họ so với hàng xóm (các hộ tốt nhất, các hộ trung bình) cùng các chỉ dẫn giúp tiết kiệm năng lượng. Kết quả là các hộ gia đình cảm thấy mình dùng quá mức trung bình bắt đầu tiết kiệm hơn. Thành quả tính riêng năm 2012, chiến dịch đã giúp tiết kiệm tới 1 terawatt điện năng, 220 triệu USD hóa đơn chi trả cho năng lượng và giúp giảm lượng ô nhiễm tương đương với việc cắt bớt 100,000 ô tô trên đường (3 tỷ pound khí CO2).
Có thể nói, khi được ứng dụng một cách tinh tế và sáng tạo, gamification có thể đem lại nhiều lợi ích lớn lao trong rất nhiều lĩnh vực bởi khả năng thổi lên niềm hứng khởi và vận dụng các động lực thúc đẩy hành vi con người của nó. Tuy nhiên, áp dụng gamification một cách máy móc cũng có thể chẳng giúp ích gì cho các sản phẩm nên điều tiên quyết cần chú trọng chính là thấu hiểu người dùng cũng như những động cơ có thể hướng hành vi của họ theo cách mà người thiết kế mong muốn.