Ngày nay, sự cần thiết của giáo dục đã không thể phủ nhận. Các hình thức học tập ngày càng phong phú hơn nhằm phục vụ tối đa nhu cầu học không giới hạn của con người. Theo thời gian, xu hướng học theo bài giảng điện tử E-learning ra đời, cho phép người học có thể tự học qua máy tính, laptop mà không cần phải lên lớp nghe giảng như phương pháp dạy truyền thống. Và đến nay, việc học dường như đã không còn là trở ngại quá lớn, khi làn sóng M-learning xuất hiện, hay còn gọi là học trên thiết bị di động, cho phép người học có thể học mọi lúc mọi nơi từ các thiết bị di động cầm tay thông minh như điện thoại, máy tính bảng.
1. Vậy E-learning và M-learning khác nhau như thế nào?
“E” trong E-learning là viết tắt của “Electronic” – điện tử. E-learning được hiểu là tất cả các hình thức học tập được phân phối qua các thiết bị điện tử như laptop, máy tính có kết nối internet/intranet/ extranet.
Trong khi đó, M-learning hay viết đầy đủ là Mobile learning để chỉ hình thức học thông qua các thiết bị di động cầm tay.
Cùng với sự phát triển vượt trội của thiết bị công nghệ số, hai loại hình học tập này đều sử dụng thiết bị thông minh để kết nối học viên và nguồn kiến thức. Có thể dễ dàng nhận thấy, M-learning là một phần trong E-learning, bởi cả hai đều dựa trên công nghệ số để truyền tải kiến thức đến người học.
2. Mục đích sử dụng của E-learning và M-learning
E-learning chiếm ưu thế khi bạn muốn đào tạo những kĩ năng cụ thể hay những kiến thức chuyên sâu cho người học. Còn với M-learning, phương thức này phù hợp để hỗ trợ quá trình học tập khi bạn muốn ưu tiên về tốc độ truy cập và khả năng phân phối kiến thức nhanh.
Ví dụ: Nếu bạn cần nhân viên học về cách vận hành máy móc hoặc hiểu về các chính sách nhân sự của công ty, hãy chọn hình thức đào tạo là E-learning.
Nếu bạn muốn nhân viên học theo 1 danh sách kỹ năng khi đang ở cửa hàng, hãy thiết kế 1 danh sách bài giảng M-learning, nhân viên của bạn có thể học bất cứ khi nào họ cần.
Mẹo nhỏ: Không phải chương trình học nào cũng cần truy cập trên thiết bị di động. Nếu bạn đang sở hữu một hệ thống bài giảng E-learning hiệu quả, hãy tận dụng nguồn tài liệu này cho M-learning, người học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang di chuyển.
3. Thiết bị học cho E-learning và M-learning
Để học các bài giảng E-learning, người học thường sử dụng máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay. Nhưng để học các bài giảng M-learning, người học sử dụng các thiết bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Từ đó, các bài giảng M-learning buộc phải thiết kế sao cho dung lượng bài giảng tối thiểu để có thể tải xuống bài giảng 1 cách nhanh nhất hoặc chạy mượt mà trên tất cả hệ điều hành mà không gặp vấn đề gì.
4. Về thiết kế bài học
Khi học các bài giảng E-learning, người học sẽ học qua 1 màn hình lớn như màn hình máy tính. Việc của bạn là thiết kế làm sao để có thể giữ chân được người học lâu nhất có thể. Bạn có thể thoả sức sáng tạo, thiết kế một khoá học E-learning với bố cục hấp dẫn, tiêu chí kịch tính và yên tâm người học có thể ngồi học từ đầu đến cuối.
Nhưng với M-learning, do tính linh động của hình thức này, người học học qua màn hình nhỏ hơn, trong bất kỳ lúc nào mà họ có thời gian rảnh như chờ xe bus, chờ bạn ở quán cà phê hay thậm chí, đi khám, chờ bác sĩ… Người học M-learning dễ bị xao nhãng bởi các yếu tố ngoại cảnh nhiều hơn cả. Do vậy, mỗi đơn vị kiến thức của M-learning nên đơn giản, nội dung trọn vẹn trong một màn hình.
5. Về thời lượng bài học
Với hệ thống E-learning, hãy kiểm soát thời lượng trong khoảng 20 đến 30 phút cho mỗi mô đun. Mặt khác, các mô đun của hệ thống M-learning nên được giới hạn từ 3 đến 15 phút, nếu bạn sử dụng video bài giảng thì mỗi video không nên dài quá 3 phút.
Có thể thấy, E-learning và M-learning không phải là hai hình thức học tương phản với nhau. Cả 2 đều có thể được xây dựng trong một chương trình học tập, bổ sung và hỗ trợ cho nhau nhằm mục đích đưa đến người học trải nghiệm tốt nhất.
Tham khảo hệ thống LotusMLS – nền tảng đào tạo E-learning bảo mật nhất tại Việt Nam hiện nay
Nguồn tham khảo: https://www.shiftelearning.com/