Mặc dù đã có sự chuyển đổi hình thức đào tạo từ truyền thống sang trực tuyến từ hai thập kỷ nay, nhưng chúng ta vẫn không thể phủ nhận, càng ngày, các giải pháp công nghệ trong đào tạo càng mới mẻ và gặt hái được nhiều thành tựu lớn.
Với e-learning, việc đào tạo nhân sự trong doanh nghiệp trở nên trơn tru hơn, giảm bớt mọi trở ngại đào tạo khác.
Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng một hệ thống LMS vào quản lý đào tạo, không có nghĩa bạn sẽ đi trước đón đầu thời đại. Mà bạn và doanh nghiệp cần nắm được các xu hướng e-learning hiện nay, để có thể cải tiến chiến lược đào tạo đạt được kết quả tốt hơn năm vừa rồi.
Trong bài viết này, VietED đề cập tới 5 xu hướng e-learning sẽ diễn ra khá mạnh mẽ trong năm 2021. Hi vọng, bạn sẽ có thêm những ý tưởng hay ho áp dụng vào chiến lược đào tạo của doanh nghiệp mình.
1. Học trên thiết bị di động
Các thiết bị di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Năm 2020, dân số thế giới là 7,75 tỉ người, trong khi đó, có hơn 5,19 tỷ người sử dụng điện thoại di động, tương đương với 67% theo báo cáo năm 2020 của We Are Social. Con số này được dự đoán sẽ đạt 7,1 tỷ người dùng vào năm 2021.
Khi số người dùng di động tăng lên, điều này cũng có nghĩa, các hoạt động trên di động cũng được yêu thích hơn, bao gồm cả việc học trên thiết bị di động.
99% người học cho rằng, học trên thiết bị di động nâng cao trải nghiệm của họ (eLogic Learning, 2017). Ngoài ra, 67% người dùng tiếp cận việc học thông qua thiết bị di động. Chính vì thế, doanh nghiệp nên cho việc học trên di động trở thành một phần trong chiến lược đào tạo của mình.
Học trên thiết bị di động được ưa chuộng bởi cực nhiều lợi ích mà hình thức học này mang lại. Bạn có thể học bất cứ khi nào và ở đâu, chỉ cần có kết nối mạng. Ngày nay, nhiều hệ thống LMS phát triển thêm tính năng học ngoại tuyến, tức là khi không có mạng, bạn vẫn có thể học như bình thường. Hệ thống sẽ ghi nhận lại tiến độ học ngay lập tức khi có kết nối mạng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tin rằng, việc học trên di động sẽ còn tiếp tục phát triển cực thịnh vào những năm tiếp theo đây bởi khả năng tiếp cận cũng như tính linh hoạt của hình thức này. Bởi vậy, việc quan trọng cần làm bây giờ của các doanh nghiệp nên là tối ưu trải nghiệm và thiết kế nội dung bài học phù hợp với người dùng di động. Bởi sẽ sớm thôi, người học trên thiết bị di động sẽ chiếm áp đảo so với máy tính bàn.
2. Microlearning
Theo thống kê từ eLogic Learning năm 2017, trung bình 1 nhân viên dành 1% trong quỹ thời gian làm việc cho việc phát triển chuyên môn. Điều đó có nghĩa, nếu 1 nhân viên làm việc 40 tiếng/tuần, họ sẽ dành 24 phút cho việc học. Vì vậy, để một nhân viên vừa làm việc tốt, lại vừa có thể học một nội dung chuyên sâu trong một thời gian dài là điều bất khả thi. Đây chính là lúc microlearning phát huy tác dụng.
Bởi đây là hình thức bài giảng ngắn, thường kéo dài khoảng 2-7 phút, chứa một lượng kiến thức vừa phải giúp người học có thể hiểu và đạt được mục tiêu học cụ thể. Bằng cách này, với khoảng thời gian ít ỏi, người học vẫn có thể thu nhận được một lượng kiến thức nhất định.
Hiện nay, theo nghiên cứu, có hai hạn chế lớn nhất trong việc duy trì việc học của nhân sự là thời gian tham gia và thời gian tập trung học. Càng ngày, thời gian tập trung của người trưởng thành càng giảm do chúng ta bị quá nhiều thứ khác gây mất chú ý.
Chính vì vậy, không quá ngạc nhiên khi microlearning vẫn là một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ trong năm nay. Bởi hiệu quả của hình thức bài giảng này mang lại cũng như sự tiện lợi vì dung lượng nhỏ, có thể lưu trữ kể cả trên di động mà không cần phải qua một hệ thống LMS nào cả.
3. Gamification
Gamification trong e-learning là hình thức sử dụng cơ chế trò chơi để thúc đẩy sự tương tác cũng như tăng tỉ lệ giữ chân người học.
Không có dữ liệu nào cho biết chính xác gamification sẽ diễn ra như thế nào vào những năm sau. Nhưng, theo số liệu thống kê mới nhất từ Metaari năm 2020, doanh thu từ gamification trong đào tạo sẽ tăng lên 28.8 tỷ đô la vào năm 2025 – 1 con số khổng lồ đầy hấp dẫn.
Gamification cho phép các doanh nghiệp cũng như cơ sở giáo dục tạo ra những động lực vô hình thúc đẩy việc học tập của nhân viên. Học như chơi, chơi như học.
VÍ dụ: 1 khoá học trực tuyến có thể được thiết kế theo hướng tặng điểm hoặc huy hiệu cho người học dựa trên các bài học mà họ hoàn thành. Kết thúc khoá học, hệ thống sẽ có bảng xếp hạng người học dựa trên số điểm mà họ có.
Với các khoá học có nội dung phức tạp, doanh nghiệp nên linh động xây dựng theo hướng game hoá. Khi đó, người học sẽ cảm giác hoàn thành 1 khoá học chỉ như chơi một trò chơi đầy thử thách. Đây là cách khá hay để tăng mức độ hấp dẫn của bài học cũng như giữ chân người học.
4. Big data trong đào tạo
Ngày nay, mọi khái niệm về nơi làm việc đang dần thay đổi kể cả từ phương thức làm việc, hành vi cho đến thói quen học tập của nhân sự.
Và không để lãng phí bất cứ số liệu nào, big data ra đời. Big data khai thác sức mạnh của dữ liệu được thu thập bởi các hệ thống (LMS, mạng xã hội,…) mà bạn đang tham gia hàng ngày.
Ví dụ, khi bạn đang tham gia một module đào tạo, dữ liệu có thể là tiến trình của người học, kết quả kiểm tra, tỷ lệ hoàn thành khoá học, hiệu quả đào tạo trực tuyến hoặc bất cứ dữ liệu nào khác có liên quan đến đào tạo.
Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu này, các tổ chức có thể điều chỉnh việc đào tạo phù hợp với nhu cầu riêng của người học. Ví dụ, từ việc theo dõi các hoạt động của người học trong quá trình đào tạo như những lỗi sai hay những khó khăn thường gặp phải,… Hệ thống có thể cung cấp thông tin chi tiết cho phép bạn điều chỉnh chiến lược đào tạo để phù hợp hơn với người học.
Bên cạnh đó, nhờ big data, bạn cũng có thể dễ dàng dự đoán chiến lược nào sẽ phù hợp với 1 nhóm cụ thể trong quá trình đào tạo.
5. Học qua video
Trong vài năm trở lại đây, video ngày càng bùng nổ và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phát triển của các nền tảng chia sẻ video.
Minh chứng cho điều này, Youtube đã thống kê, trong năm 2020, người dùng youtube xem hơn 2 tỉ giờ video mỗi ngày. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Wyzowl năm 2021, 69% người tiêu dùng thích xem video hơn bất kỳ hình thức nội dung nào khác.
Các chuyên gia L&D tin chắc rằng, video trong những năm tới vẫn là một chân trời rộng mở của đào tạo. Bởi thứ nhất, video hấp dẫn về mặt hình ảnh và tương tác. Từ đó, video giữ chân người học lâu hơn so với các hình thức khác. Thứ 2, truyền tải nội dung qua video vẫn luôn hấp dẫn và dễ đi vào lòng người. Cùng sự phát triển của microlearning cũng như học trên thiết bị di động, chắc chắn, video vẫn là định dạng học được ưa chuộng trong những năm tới đây.
Trên đây là 5 xu hướng e-learning được xác định là sẽ phát triển mạnh hơn trong năm 2021. Sự tiện lợi, linh hoạt và rất nhiều ưu điểm khác khiến cho e-learning sẽ tiếp tục là lựa chọn học tập trong tương lai, nhất là trong kỷ nguyên số hóa.
LotusLMS là phần mềm quản lý đào tạo nhân sự trực tuyến của VietED được nhiều doanh nghiệp Việt tin tưởng sử dụng có thể kể đến như: Tập đoàn Điện lực EVN, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tập đoàn GGG,… vì các tính năng linh động theo sát với các xu hướng E-learning hiện nay.
Bên cạnh chất lượng phần mềm, LotusLMS có các gói dịch vụ hợp lý phù hợp với nhiều quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Phần mềm được xây dựng hoàn toàn bởi đội ngũ chuyên gia người Việt, tự tin mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng doanh nghiệp Việt. Đăng ký nhận tư vấn và trải nghiệm LotusLMS miễn phí ngay tại đây.